Cải tiến chẩn đoán ung thư tuyến giáp nhờ công nghệ AI

02/08/2024

Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Tập đoàn VNPT đang phối hợp thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra bước tiến mới trong công tác sàng lọc và chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Với sự gia tăng đáng kể về số lượng ca mắc mới, ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, chiếm 3% trong tổng số ca ung thư. Theo số liệu của Globocan năm 2020, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 10 về số ca mới mắc ở cả hai giới và đứng hàng thứ 6 đối với nữ giới. Trong khi đó, nhân tuyến giáp lành tính lại là bệnh thường gặp với tỷ lệ 19 - 68% và ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 3 - 7% trong số các nhân tuyến giáp. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc chẩn đoán đúng bệnh và đưa ra quyết định điều trị phù hợp. 

AI là trợ lý đắc lực cho các bác sĩ và người dân 

PGS.TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ việc chẩn đoán ung thư tuyến giáp phụ thuộc chính vào kinh nghiệm từ các chuyên gia y tế. "Muốn chẩn đoán đúng về ung thư tuyến giáp, đầu tiên phải siêu âm chuẩn để xác định nhân và mức độ nhân của người bệnh. Tiếp theo, người bệnh có thể sẽ cần chọc hút tế bào để xét nghiệm. Cả hai công đoạn đều cần các bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu," ông nói. Tuy nhiên, đây là yếu tố mà nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới và các cơ sở tư nhân đang thiếu hụt. Trong khi đó, nếu ung thư tuyến giáp được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì tiên lượng điều trị tương đối tốt so với các loại ung thư khác.

Trong bối cảnh đó, đội ngũ nghiên cứu do PGS.TS.BS Phan Hướng Dương chủ nhiệm, cùng các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) từ Tập đoàn VNPT, đã đưa vào nghiên cứu một hệ thống công nghệ cao. Mục tiêu của dự án là tận dụng sức mạnh của AI để hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị. 

PGS 1.jpg
 
PGS 2.jpg
 Bệnh viện Nội tiết Trung ương nghiên cứu ứng dụng AI vào sàng lọc, chẩn đoán ung thư tuyến giáp

"Bằng trí tuệ nhân tạo, hệ thống có khả năng đưa ra tỷ lệ nhân tuyến giáp lành tính hay ác tính dựa trên hình ảnh siêu âm của bệnh nhân. Điều này mang lại cơ sở khoa học và gia tăng tính chính xác cho các bác sĩ trong việc đưa ra quyết định nhân giáp là lành tính hay ác tính, từ đó, giảm thiểu tình trạng chỉ định chọc tế bào không hợp lý, bỏ sót ung thư tuyến giáp, hoặc ngược lại chỉ định chọc tế bào không cần thiết," ông Phan Hướng Dương chia sẻ. 

Theo đó, dự án được kỳ vọng không chỉ mang lại những tiến bộ trong lĩnh vực y tế mà còn đem lại giá trị thực tiễn rất lớn cho cả cộng đồng. Việc loại bỏ những chẩn đoán không cần thiết và giảm số lượng các thủ tục phức tạp sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, giảm thời gian và áp lực mà họ phải dành cho quá trình điều trị. 

Sự kết hợp của chuyên môn và công nghệ 

Mặt khác, trong quá trình thực hiện, đề tài nghiên cứu cũng đối mặt với không ít thách thức. "Thời điểm bắt đầu, đội ngũ nghiên cứu phải tổ chức rất nhiều cuộc họp để thống nhất định hướng cũng như gia tăng sự thấu hiểu về công nghệ. Công tác tổ chức phối hợp giữa các đơn vị trong bệnh viện và mở rộng ra các đơn vị bệnh viện khác đòi hỏi nhiều khâu, nhiều quy trình," PGS.TS.BS Phan Hướng Dương chia sẻ. 

Được biết, đội ngũ nghiên cứu đang thu thập và chuẩn hóa 30.000 dữ liệu ảnh siêu âm từ hơn 10.000 bệnh nhân tại miền Bắc (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), miền Trung (Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế) và miền Nam (Bệnh viện Chợ Rẫy). Quá trình này đóng vai trò quyết định tới tính đa dạng của dữ liệu, độ chính xác của hệ thống và khả năng chẩn đoán đa dạng ca bệnh của người Việt trên toàn quốc. Mặt khác, để có thể thu thập dữ liệu, sự đồng lòng và hiểu biết từ phía bệnh nhân là điều kiện tiên quyết. Theo đó, những người tình nguyện tham gia dự án đều được giới thiệu, giải thích chi tiết và xác nhận đồng ý tham gia.

PGS 3.jpg
Các bệnh nhân tình nguyện tham gia được giải thích quy trình trước khi xác nhận đồng ý 

Để giải quyết những vấn đề công nghệ, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã chọn Tập đoàn VNPT là đơn vị đồng hành. Mục tiêu chính của đề tài là có thể triển khai trên thực tế, đặc biệt là phục vụ các bệnh viện tuyến dưới. Vì vậy, Bệnh viện Nội tiết cần lựa chọn một đơn vị có đủ năng lực về công nghệ, đội ngũ và có sự cam kết đầu tư lâu dài cho trí tuệ nhân tạo. 

Sở hữu đội ngũ cốt lõi hơn 120 kỹ sư chất lượng cùng sự đầu tư không ngừng về hạ tầng, VNPT hiện là “sếu đầu đàn” trên thị trường các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Về xử lý hình ảnh, đơn vị này đã tạo ra loạt trợ lý AI chuyên biệt để giải quyết nhiều bài toán đặc thù cho các lĩnh vực như giao thông, an ninh, y tế, giáo dục. 

PGS 4.jpg
 
PGS 5.jpg
 Đội ngũ VNPT huấn luyện trợ lý AI hỗ trợ chẩn đoán ung thư tuyến giáp 

BS.Phan Hướng Dương nói về quá trình làm việc của đội ngũ nghiên cứu và VNPT: "Chúng tôi là người trực tiếp thực hiện việc thu thập dữ liệu. Vì vậy, lo lắng lớn nhất là ảnh mình lấy đã đủ chuẩn để có thể đưa vào và xử lý bằng trí tuệ nhân tạo hay chưa. Trong quá trình đó, đội ngũ VNPT luôn đồng hành, giải thích rất kỹ về khâu kỹ thuật. Tới nay, quy trình vận hành đã trở nên nhuần nhuyễn hơn. Đó là tín hiệu rất tích cực của dự án". 

Trong bối cảnh sự cần thiết của trí tuệ nhân tạo ngày càng được nhấn mạnh trong lĩnh vực y tế, sự kết hợp giữa sự hiểu biết chuyên sâu của bác sĩ và sức mạnh tính toán của trí tuệ nhân tạo của VNPT hứa hẹn sẽ là một bước quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế Việt Nam.

Tác giả: Thế Định

Nguồn: vietnamnet.vn
Từ khóa: #AI #VNPT