Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước tiến công nghệ đột phá mới, nhưng cũng mang lại rất nhiều rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin. Một trong những ứng dụng gây nhiều tranh cãi nhất của AI chính là Deepfake, công nghệ có thể tạo ra hình ảnh, video và âm thanh giả nhưng vô cùng chân thực. Sự bùng nổ của Deepfake đã mở ra khá nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như sáng tạo nội dung, giáo dục,... nhưng nó cũng đặt ra thách thức về tính xác thực của thông tin trong môi trường số. Vậy Deepfake là gì? Công nghệ này được ứng dụng ra sao? Hãy cùng VNPT AI tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Deepfake là gì?
Deepfake là công nghệ thuộc lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng các thuật toán học sâu để tạo ra nội dung giả mạo có độ chân thực cao, bao gồm cả hình ảnh, video, và âm thanh. Thuật ngữ “Deepfake” là sự kết hợp giữa “deep learning” (học sâu) và “fake” (giả mạo), cho thấy công nghệ này hoạt động bằng cách học từ dữ liệu gốc và tạo nội dung giả dựa trên những đặc điểm nhận diện chính của đối tượng.

Deepfake chủ yếu sử dụng mạng nơ-ron nhân tạo, đặc biệt là mô hình Generative Adversarial Networks (GANs), nhằm tạo ra những nội dung giả mạo một cách tinh vi, khó phân biệt với nội dung thật. Công nghệ này hiện có nhiều ứng dụng hữu ích trong đa lĩnh vực như giải trí, truyền thông hay giáo dục. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những lo ngại về quyền riêng tư, an ninh mạng và thông tin sai lệch cho người dùng nếu không sử dụng đúng cách.
Nguyên lý hoạt động của Deepfake
Để hiểu rõ hơn về công nghệ Deep fake là gì, hãy cùng VNPT AI tìm hiểu cơ chế hoạt động của nó nhé.
Hiểu một cách đơn giản, Deepfake hoạt động dựa trên hai thuật toán chính: thuật toán tạo nội dung (generator) và thuật toán kiểm tra (discriminator) để tạo và tinh chỉnh nội dung giả mạo một cách tự nhiên nhất.
Ban đầu, generator sẽ thu thập dữ liệu gốc, phân tích các đặc điểm chi tiết như: ánh mắt, nếp nhăn, cách di chuyển của môi,... rồi tạo ra phiên bản giả mạo dựa trên dữ liệu này. Sau đó, discriminator sẽ đánh giá mức độ chân thực của nội dung đó, phát hiện những điểm chưa hoàn hảo. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần, giúp generator ngày càng tạo ra những nội dung giả mạo có độ chính xác cao hơn, đồng thời discriminator cũng trở nên tinh vi hơn trong việc nhận diện sai sót để tiếp tục tối ưu.
Ví dụ, nếu muốn thay thế khuôn mặt của một người trong video, AI sẽ thu thập hàng nghìn hình ảnh về người đó từ nhiều góc độ khác nhau. Nhờ vào những thuật toán học sâu, nó sẽ học dữ liệu cho ra hình ảnh khuôn mặt này thay đổi như thế nào theo thời gian, ánh sáng và góc quay. Cuối cùng, AI ghép hình ảnh này vào video gốc một cách mượt mà, khiến video trông như thật.
Các loại Deepfake phổ biến hiện nay
Deepfake ngày càng phổ biến với nhiều định dạng khác nhau, trong đó ba loại thường gặp nhất bao gồm: hoán đổi khuôn mặt, âm thanh và Deepfake dựa trên văn bản.
Deepfake hoán đổi khuôn mặt (Face-Swapping Deepfakes)
Deepfake hoán đổi khuôn mặt là công nghệ sử dụng AI để thay thế khuôn mặt của một người trong hình ảnh hoặc video bằng khuôn mặt của người khác. Quá trình này được thực hiện nhờ các thuật toán học sâu được huấn luyện trên một lượng lớn dữ liệu để có thể phân tích, nhận diện và thay thế các đặc điểm một cách chính xác.

Kết quả của phương pháp này rất ấn tượng, đặc biệt là với hình ảnh. Điểm yếu của phương pháp này là khi áp dụng vào video có thể để lộ một số điểm bất thường như sự khác biệt trong chuyển động, ánh sáng, hay biểu cảm của khuôn mặt.
Hiệu quả là vậy, nhưng hình thức Deepfake hoán đổi khuôn mặt này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thường bị lợi dụng để mạo danh người nổi tiếng, lan truyền tin tức giả mạo hoặc gian lận. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của từng cá nhân mà còn đặt ra nhiều thách thức về vấn đề đạo đức và bảo mật thông tin trong kỷ nguyên số.
>>> Có thể bạn quan tâm: Công nghệ nhận diện khuôn mặt là gì? Cách hoạt động và ứng dụng
Deepfake âm thanh (Audio Deepfakes)
Deepfake âm thanh dùng AI để giả mạo giọng nói của một người hoặc tạo ra giọng nói khác nhưng vẫn giữ nguyên cách phát âm, ngữ điệu và chất giọng đặc trưng. Nhờ công nghệ tổng hợp giọng nói, AI có thể bắt chước giọng điệu, cách nhấn nhá và cả phong cách nói chuyện của một người, khiến âm thanh nghe chân thực đến mức khó phân biệt.

Công nghệ này có nhiều ứng dụng hữu ích, như lồng tiếng trong phim hay tạo trợ lý ảo. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi bị kẻ xấu lợi dụng hoặc thực hiện các cuộc gọi lừa đảo. Chỉ cần vài giây ghi âm, AI đã có thể tạo ra một bản sao giọng nói giống thật.
>>> Xem thêm: Nhận diện giọng nói là gì? 5 phần mềm Speech Recognition nổi bật nhất hiện nay
Deepfake dựa trên văn bản (Text-Based Deepfakes)
Deepfake dựa trên văn bản sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để tạo ra nội dung viết giả mạo, bắt chước phong cách của người khác. Bằng cách phân tích dữ liệu từ các văn bản có sẵn, AI có thể tái tạo giọng điệu, từ vựng và cách hành văn đặc trưng của một người, khiến cho đoạn văn trông như thể do chính họ viết ra.
Công nghệ ngày thường được ứng dụng trong hệ thống tự động hóa nội dung hay chatbot thông minh. Tuy nhiên, giống như hai loại trên, Deepfake văn bản cũng đặt ra nhiều rủi ro về bảo mật thông tin. Những nội dung giả mạo này có thể bị lợi dụng để tạo email lừa đảo, hay đánh lừa người nhận bằng những tin nhắn có vẻ đáng tin cậy.
Ứng dụng của Deepfake trong thực tế
Công nghệ Deepfake tuy gây nhiều tranh cãi về khả năng bị lạm dụng nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã mở ra nhiều tiềm năng mới trong các lĩnh vực khác nhau. Vậy ứng dụng thực tế trong đời sống của Deepfake là gì? Cùng tìm hiểu sau đây:
Nâng cao chất lượng sản xuất phim và truyền hình
Cải tiến kỹ xảo điện ảnh bằng cách thay thế hoặc chỉnh sửa khuôn mặt diễn viên một cách chân thực. Công nghệ này có thể trẻ hóa diễn viên, tái tạo những nhân vật lịch sử hoặc giúp hoàn thiện cảnh quay mà không cần quay lại. Nhờ đó, các nhà làm phim tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất.

Cách mạng hóa giáo dục và đào tạo
Deepfake mang đến cách tiếp cận sinh động hơn trong giáo dục bằng cách tạo ra các nhân vật mô phỏng, như các nhà chính trị hoặc nhân vật lịch sử, từ đó giúp học sinh dễ dàng tương tác trực tiếp với bài giảng. Trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn, công nghệ này còn hỗ trợ mô phỏng tình huống thực tế, đặc biệt trong y tế hoặc an ninh, giúp học viên có trải nghiệm thực hành chân thật, an toàn và hiệu quả hơn.
Chống tin giả và thông tin sai lệch
Các thuật toán phân tích hình ảnh và âm thanh do AI hỗ trợ có thể xác minh độ chân thực của video hoặc bài viết, giúp bảo vệ người dùng khỏi những thông tin sai lệch.
Tăng cường các biện pháp bảo mật
Deepfake còn được sử dụng để phát triển các công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến hơn. Cụ thể, Deepfake đang được nghiên cứu để kiểm tra và cải thiện hệ thống xác thực sinh trắc học, từ đó có thể phát hiện các hành vi giả mạo và nâng cao tính bảo mật của các nền tảng trực tuyến.
Mối nguy hiểm và tác động tiêu cực của Deepfake
Mặc dù Deepfake có nhiều ứng dụng hữu ích nhưng công nghệ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng, ảnh hưởng đến xã hội. Vậy cụ thể, Deepfake nguy hiểm như thế nào?
- Nhu cầu dữ liệu lớn: Việc phát hiện Deepfake phụ thuộc vào lượng dữ liệu khổng lồ để đào tạo các mô hình nhận diện. AI cần được tiếp cận hàng triệu hình ảnh và video thật, giả để phân biệt các đặc điểm bất thường trong Deepfake. Tuy nhiên, dữ liệu này không phải lúc nào cũng có sẵn, đặc biệt là khi Deepfake liên tục được cải tiến để qua mặt các hệ thống kiểm tra.
- Công nghệ phát hiện chưa hoàn toàn tự động: Hiện nay, hầu hết các hệ thống phát hiện Deepfake vẫn cần sự can thiệp của con người. Các công cụ AI có thể phát hiện một số đặc điểm bất thường như nháy mắt không tự nhiên, chuyển động môi không đều hoặc ánh sáng bất thường, nhưng vẫn có nhiều trường hợp AI không thể nhận diện chính xác. Do vậy, việc phát triển một hệ thống tự động có độ chính xác cao vẫn là một thách thức lớn.
- Xâm phạm danh tiếng và quyền riêng tư: Công nghệ Deepfake cho phép tạo ra những video giả mạo, khiến nạn nhân trông như đang nói hoặc làm những điều mà họ chưa từng thực hiện. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của từng cá nhân. Nhiều trường hợp Deepfake đã bị lạm dụng để lan truyền thông tin sai lệch hoặc bôi nhọ người khác trên mạng xã hội.

Cách phát hiện Deepfake
Với sự phổ biến của Deepfake, việc nhận diện nội dung giả mạo là rất quan trọng. Bên cạnh việc sử dụng các công cụ Deepfake Detection - Phát hiện nội dung tạo bởi AI có sẵn, người dùng có thể tự nhận biết Deepfake sơ bộ qua các dấu hiệu sau:
- Khuôn mặt, ánh sáng không tự nhiên: Một số dấu hiệu có thể nhận thấy như biểu cảm khuôn mặt thiếu tự nhiên, gương mặt không cân đối hoặc viền khuôn mặt bị nhòe. Ngoài ra, ánh sáng trong video cũng có thể không đồng nhất.
- Hành vi bất thường: Deepfake hoạt động bằng cách ghép nhiều hình ảnh với nhau để tạo chuyển động liền mạch, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng hoàn hảo. Trong một số video giả, bạn có thể nhận thấy những hành vi không tự nhiên như tần suất chớp mắt không đồng đều, chuyển động giật cục hoặc biểu cảm gượng gạo.
- Hình ảnh bị nhòe, méo mó: Nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy các chi tiết bị nhòe, viền hình ảnh không sắc nét hoặc có hiện tượng biến dạng nhẹ ở cổ, tai hoặc tóc.
- Âm thanh và hình ảnh không khớp: Khi Deepfake đi kèm với giọng nói giả lập, cử động môi có thể không khớp với lời nói và tạo cảm giác không tự nhiên.

Tương lai của Deepfake sẽ như thế nào?
Công nghệ Deepfake được kỳ vọng sẽ tiếp tục tiến bộ và phát triển với tốc độ nhanh chóng, mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vậy những xu hướng trong năm 2025 của Deepfake là gì? Cùng VNPT AI khám phá chi tiết sau đây:
- Công nghệ phát hiện Deepfake ngày càng phát triển: Trước mối đe dọa từ Deepfake, các tổ chức công nghệ đang tích cực phát triển các công cụ nhận diện video giả mạo, kết hợp với trí tuệ nhân tạo và xác thực dữ liệu. Trong tương lai, các hệ thống phát hiện có thể được tích hợp trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm để người dùng dễ thao tác hơn.
- Hoàn thiện khung quy định pháp lý: Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chưa có khung pháp lý đầy đủ để kiểm soát việc ứng dụng Deepfake. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các vụ lừa đảo và tác động tiêu cực của công nghệ này, chính phủ các nước có thể sẽ đưa ra các luật chặt chẽ hơn để hạn chế Deepfake bị lạm dụng cho các hành vi sai trái.
- Giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức: Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật và pháp lý, việc giáo dục cộng đồng về Deepfake cũng đóng vai trò quan trọng. Người dùng cần nhận thức rõ về tác động của Deepfake, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng và chia sẻ nội dung số.

Một số câu hỏi thường gặp về Deepfake
Đứng trước hàng loạt thông tin trái chiều về Deepfake, rất nhiều người dùng vẫn băn khoăn, lo lắng về những rủi ro xoay quanh công nghệ AI này. Không khó để bắt gặp những câu hỏi như “Deepfake có nguy hiểm không?” hay “Deepfake có hợp pháp không?”,... trên các trang mạng xã hội hiện nay. Nếu bạn cũng đang thắc mắc về những vấn đề trên, hãy lắng nghe VNPT AI giải đáp chi tiết về các câu hỏi thường gặp của Deepfake trong phần dưới đây nhé!
Deepfake có phải là hành vi bất hợp pháp không?
Dùng Deepfake không phải là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu nó được sử dụng để bôi nhọ, lừa đảo, phát tán thông tin sai lệch hoặc tạo nội dung xâm phạm quyền riêng tư thì nó có thể vi phạm pháp luật.
Deepfake phổ biến nhất là gì?
Loại Deepfake phổ biến nhất hiện nay là hoán đổi khuôn mặt, trong đó khuôn mặt của một người được ghép vào cơ thể người khác trong ảnh hoặc video. Công nghệ này thường được dùng để tạo nội dung giải trí, như đưa người nổi tiếng vào những cảnh quay họ chưa từng tham gia. Tuy nhiên, nó cũng có thể bị lạm dụng để lan truyền tin giả hoặc thông tin sai lệch.
Deepfake có nguy hiểm không?
Deepfake có thể rất nguy hiểm nếu bị sử dụng sai mục đích. Công nghệ này có thể tạo ra video giả mạo để lan truyền tin tức sai lệch, bôi nhọ danh tiếng, lừa đảo tiền bạc hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát và sử dụng đúng cách, Deepfake cũng có thể mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực như giải trí, giáo dục và truyền thông.
Làm sao có thể nhận biết video có được tạo ra bằng AI?
AI có thể tạo ra những video giả mạo rất tinh vi nhưng bạn vẫn có thể nhận biết chúng thông qua các dấu hiệu như:
- Một số phần trong video có thể bị nhòe, nhấp nháy hoặc có bóng không tự nhiên.
- Ngôn ngữ cơ thể có thể cứng nhắc, không khớp với bối cảnh hoặc chuyển động trông rời rạc.
- Hình ảnh có thể bị giật, đứt quãng hoặc không khớp với âm thanh.
- Khẩu hình không khớp hoàn toàn với âm thanh hoặc có âm thanh méo mó, thiếu tự nhiên.
Tạm kết
Hy vọng rằng bài viết trên đây của VNPT AI giúp bạn đọc hiểu Deepfake là gì, cũng như ứng dụng của công nghệ này trong thực tế. Nhìn chung, Deepfake mang lại rất nhiều ứng dụng thực tiễn trong đa lĩnh vực như sáng tạo nội dung, nhận diện khuôn mặt, giáo dục,... Tuy nhiên, rất nhiều kẻ xấu cũng đang lợi dụng công nghệ này để thực hiện các hành vi lừa đảo bằng cách tạo nội dung giả mạo từ Deepfake. Vì vậy, việc phát triển các công nghệ và hành lang pháp lý cho Deepfake đóng vai trò rất quan trọng, giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực mà nó có thể gây ra. Do đó, trong tương lai, đi cùng với sự phát triển của Deepfake sẽ là những công nghệ có khả năng nhận diện nội dung được tạo bởi AI, phát hiện ra các hành vi lừa đảo, mạo danh.