Optical Mark Recognition (OMR) được biết đến như một công nghệ giúp tự động thu thập dữ liệu từ biểu mẫu bằng cách nhận diện các dấu hiệu quang học. Nhờ tốc độ xử lý nhanh và độ chính xác cao, OMR được ứng dụng rộng rãi trong chấm điểm trắc nghiệm, khảo sát ý kiến và nhiều lĩnh vực khác. Vậy công nghệ này hoạt động như thế nào, có điểm gì nổi bật? Hãy cùng VNPT AI tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!
Optical Mark Recognition là gì?
Optical Mark Recognition (OMR), hay nhận dạng dấu quang học, là công nghệ tự động thu thập dữ liệu bằng cách nhận diện các dấu hiệu được đánh trên biểu mẫu. Hệ thống OMR hoạt động dựa trên nguyên tắc quét và phân tích độ phản xạ ánh sáng, trong đó các khu vực được đánh dấu hấp thụ nhiều ánh sáng hơn so với nền trắng, giúp máy quét xác định chính xác vị trí và nội dung của các dấu hiệu.
Nhờ tốc độ xử lý nhanh, OMR được ứng dụng rộng rãi trong chấm thi các bài thi trắc nghiệm, thu thập dữ liệu khảo sát, biểu mẫu đăng ký và các quy trình thu thập dữ liệu quy mô lớn. Công nghệ này giúp tăng hiệu suất làm việc, giảm sai sót do con người và tối ưu hóa quy trình số hóa thông tin.

Tuy nhiên do giới hạn về khả năng nhận dạng, OMR chủ yếu chỉ nhận dạng các dấu hiệu định dạng sẵn và không thể xử lý văn bản viết tay hay bản in như công nghệ OCR (Optical Character Recognition). Chính vì vậy, ngày nay, OMR thường được kết hợp với OCR để nâng cao khả năng nhận dạng và mở rộng phạm vi ứng dụng, giúp xử lý dữ liệu trên nhiều định dạng hơn.
>>> Tìm hiểu thêm: Số hóa tài liệu là gì? Các phương pháp số hóa tài liệu
Nguyên lý hoạt động của Optical Mark Recognition
Hệ thống OMR sử dụng máy quét chuyên dụng phát tia sáng lên bề mặt giấy để nhận diện dữ liệu. Trong đó, các vùng được tô đậm hấp thụ ánh sáng nhiều hơn so với vùng trắng, giúp cảm biến quang học phát hiện và ghi nhận dữ liệu dễ dàng.
Hiện nay, ngoài phương pháp quét truyền thống, Optical Mark Recognition OMR còn ứng dụng thêm công nghệ xử lý ảnh số. Trong đó, một hình ảnh của trang giấy được tạo ra, sau đó các thuật toán xử lý (chủ yếu là phương pháp vi phân) sẽ được sử dụng để phân tích độ tương phản và trích xuất thông tin chính xác.
Ví dụ cụ thể về công nghệ OMR quét dấu quang học
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Optical Mark Recognition là chấm điểm bài thi trắc nghiệm. OMR giúp máy quét nhanh chóng nhận diện vị trí được tô để xác định đáp án, từ đó tự động so sánh với đáp án đúng và tính điểm, thay vì chấm thủ công từng bài. Công nghệ này giúp các tổ chức giáo dục, đơn vị tổ chức thi đánh giá bài thi nhanh chóng và chính xác hơn. Ngoài ra, OMR còn được sử dụng nhiều trong khảo sát ý kiến khách hàng, xử lý phiếu bầu cử hoặc thu thập dữ liệu trên biểu mẫu đăng ký, cho tốc độ xử lý nhanh và chuẩn xác.

Lợi ích và hạn chế của Optical Mark Recognition
Công nghệ nhận dạng dấu quang học - Optical Mark Recognition (OMR) mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đồng thời tồn tại một số hạn chế nhất định trong quá trình ứng dụng thực tế.
Lợi ích
OMR được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như giáo dục, khảo sát và quản lý dữ liệu nhờ vào độ chính xác cao và khả năng xử lý nhanh. Một số lợi ích dễ thấy của công nghệ này có thể kể đến như:
- Độ chính xác cao: OMR có thể đạt độ chính xác lên đến 99,9%, giảm thiểu tối đa lỗi do con người gây ra khi nhập dữ liệu thủ công.
- Tốc độ xử lý nhanh: Công nghệ OMR cho phép quét và phân tích hàng nghìn biểu mẫu mỗi giờ, giúp tiết kiệm thời gian trong các dự án cần thu thập dữ liệu quy mô lớn.
- Tiết kiệm chi phí: OMR giúp giảm bớt việc phải nhập dữ liệu thủ công, từ đó cắt giảm chi phí nhân sự và hạn chế sai sót trong quá trình nhập liệu.
- Dễ sử dụng: Người dùng chỉ cần hướng dẫn cơ bản để thực hiện điền vào biểu mẫu, giúp quy trình thu thập dữ liệu trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
- Tính ứng dụng cao: OMR có thể áp dụng cho nhiều mục đích khác nhau như khảo sát ý kiến, kiểm phiếu bầu cử, xử lý đơn đăng ký hoặc đánh giá bài thi trắc nghiệm,.....

Hạn chế
Mặc dù có nhiều lợi ích, Optical Mark Recognition OMR vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định, cụ thể:
- Hạn chế về loại dữ liệu: OMR chỉ có thể nhận diện dấu đánh dấu trên biểu mẫu, không thể xử lý văn bản viết tay hay in sẵn như OCR
- Thiết kế biểu mẫu cứng nhắc: Các biểu mẫu OMR cần tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về bố cục và vị trí đánh dấu, hạn chế tính linh hoạt trong thiết kế.
- Dễ xảy ra lỗi khi đánh dấu sai: Nếu người dùng điền không đầy đủ hoặc đánh dấu sai cách, dữ liệu thu thập có thể bị sai lệch.
- Chi phí đầu tư ban đầu: Việc triển khai hệ thống OMR đòi hỏi máy quét chuyên dụng và phần mềm hỗ trợ, có thể gây tốn kém cho các tổ chức nhỏ.
- Khả năng thu thập dữ liệu hạn chế: OMR chỉ phù hợp với câu trả lời đơn giản như trắc nghiệm hoặc lựa chọn đúng/sai, không thể thu thập dữ liệu phức tạp như câu trả lời mang tính mở hoặc số liệu định lượng chi tiết.

Ứng dụng của OMR trong các lĩnh vực
Nhờ vào độ chính xác cao và tốc độ xử lý nhanh, nhận dạng dấu hiệu quang học OMR được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quan trọng như:
Chính trị
Trong bầu cử, việc kiểm phiếu nhanh chóng và chính xác là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch. OMR giúp quét và đếm phiếu bầu một cách tự động, giảm thiểu sai sót do con người. Nhờ đó, hàng nghìn lá phiếu có thể được xử lý trong thời gian ngắn, giúp đưa ra kết quả sơ bộ nhanh chóng và chính xác.
Giáo dục
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Optical Mark Recognition là trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt với các bài kiểm tra trắc nghiệm. Công nghệ này cho phép quét và chấm điểm tự động, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, OMR cũng được sử dụng để thu thập phản hồi của sinh viên thông qua các khảo sát và đánh giá chất lượng giảng dạy.

Y tế
Nhận dạng dấu quang học cũng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong việc xử lý phiếu khảo sát sức khỏe của bệnh nhân. Các biểu mẫu này thường chứa nhiều ô lựa chọn liên quan đến tiền sử bệnh hoặc triệu chứng. Nhờ OMR, dữ liệu có thể được số hóa và phân tích dễ dàng, hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và lập hồ sơ bệnh án chính xác hơn.
Kinh doanh
Trong môi trường doanh nghiệp, nhận dạng dấu hiệu quang học được sử dụng để thu thập dữ liệu từ khảo sát khách hàng, phiếu đánh giá nhân viên hoặc biểu mẫu đăng ký. Điều này giúp các tổ chức xử lý và phân tích thông tin nhanh chóng, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Sự khác nhau giữa công nghệ OMR và OCR
Công nghệ Optical Mark Recognition (OMR) và Optical Character Recognition (OCR) đều hỗ trợ xử lý dữ liệu từ tài liệu giấy, biểu mẫu, nhưng có sự khác biệt đáng kể về mục đích sử dụng và phương thức hoạt động. Vậy cụ thể sự khác biệt giữa OCR và OMR là gì? Cùng VNPT AI theo dõi bảng sau để tìm ra câu trả lời:

Tiêu chí | Optical Mark Recognition (OMR) | Optical Character Recognition (OCR) |
Định nghĩa | Nhận dạng dấu hiệu quang học, thu thập dữ liệu dựa trên vị trí các dấu đánh dấu trên biểu mẫu. | Nhận dạng ký tự quang học, chuyển đổi văn bản in hoặc viết tay thành dữ liệu số hóa có thể chỉnh sửa. |
Định dạng biểu mẫu | Cần biểu mẫu chuyên biệt với các vùng đánh dấu cố định, có thể chứa dấu ID và thanh định vị. | Linh hoạt hơn, không yêu cầu cấu trúc cố định, có thể xử lý nhiều loại tài liệu khác nhau |
Mức độ phức tạp | Dễ triển khai, chỉ yêu cầu biểu mẫu có cấu trúc cố định. | Khó triển khai hơn do cần xử lý nhiều kiểu chữ viết và văn bản khác nhau nên cần đảm bảo độ chính xác của các định dạng này |
Độ chính xác | Nếu biểu mẫu và hệ thống được thiết kế phù hợp, kết quả trả về của OMR có khả năng đạt độ chính xác cao hơn | Tính chính xác có thể thấp hơn OMR trong một số trường hợp. |
Ứng dụng | Dùng trong khảo sát, trắc nghiệm, kiểm phiếu bầu cử, đánh giá sản phẩm. | Sử dụng trong số hóa tài liệu, trích xuất thông tin từ hóa đơn, giấy tờ tùy thân, tài liệu pháp lý. |
Khả năng nhận diện | Chỉ nhận diện được dấu đánh dấu (check mark, ô trống đã tô đen), không nhận dạng chữ viết. | Có thể nhận diện chữ in, chữ viết tay, nhận dạng các ký hiệu đánh dấu (check), ID biểu mẫu/yêu cầu theo dõi thời gian và chuyển thành văn bản điện tử. |
Lưu trữ dữ liệu | Không lưu trữ hình ảnh tài liệu, chỉ thu thập thông tin từ dấu đánh dấu | Có thể quét, lưu trữ hình ảnh tài liệu điện tử và truy xuất dữ liệu từ đó |
Khả năng tích hợp AI | Không có khả năng học máy hoặc trí tuệ nhân tạo. | Các phiên bản tiên tiến có tích hợp AI để nâng cao độ chính xác trong nhận diện ký tự. |
Tạm kết
Với nhu cầu ngày càng cao về tự động hóa và số hóa dữ liệu, Optical Mark Recognition (OMR) tiếp tục là giải pháp hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp cần thu thập và xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác. Việc kết hợp OMR với các công nghệ nhận dạng khác như OCR không chỉ tối ưu hóa quy trình làm việc trong các lĩnh vực như khảo sát, lấy ý kiến khách hàng, mà còn giúp nâng cao hiệu suất và tiết kiệm chi phí so với phương pháp xử lý dữ liệu thủ công truyền thống. Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm một giải pháp hiện đại để cải thiện quy trình vận hành, đây chính là thời điểm thích hợp để áp dụng và khai thác các lợi ích mà công nghệ OMR mang lại.