Chia sẻ

Intelligent Character Recognition - Bước tiến mới trong nhận dạng ký tự

Intelligent Character Recognition (ICR) hay nhận dạng ký tự thông minh, là phiên bản phát triển cao hơn của công nghệ OCR, giúp nâng cao hiệu quả số hóa và giảm thiểu thao tác thủ công trong doanh nghiệp và tổ chức.

Nội dung

Hiện nay OCR (Optical Character Recognition – Nhận dạng ký tự quang học) vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc xử lý các dạng ký tự khó nhận dạng như chữ viết tay, ký tự bị biến dạng hay sử dụng phông chữ không chuẩn. Trong khi đó, nhờ khả năng áp dụng các thuật toán học máy, ICR (Intelligent Character Recognition – Nhận dạng ký tự thông minh) có thể nhận diện chính xác hơn các dữ liệu không chuẩn định dạng, đặc biệt là trong các biểu mẫu có chữ viết tay hoặc ký tự không theo quy tắc cố định. Vậy Intelligent character recognition là gì? Và công nghệ này hoạt động như thế nào? Cùng VNPT AI khám phá những tính năng và lợi ích ấn tượng của Intelligent Character Recognition. 

Intelligent Character Recognition là gì?

ICR là công nghệ giúp máy tính nhận diện và chuyển đổi các ký tự viết tay hoặc in ấn thành dạng dữ liệu có thể tìm kiếm, chỉnh sửa và lưu trữ. 

Điểm đặc biệt của ICR so với OCR là khả năng tự học, không ngừng cải thiện độ chính xác khi nhận diện các dữ liệu phức tạp như chữ viết tay, chữ ký và phông chữ không chuẩn, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn trong việc xử lý văn bản.

Intelligent Character Recognition là gì
Công nghệ ICR giúp nhận diện và chuyển đổi chữ viết tay thành dữ liệu có thể chỉnh sửa

ICR hoạt động như thế nào?

Quy trình hoạt động của công nghệ ICR gồm 7 bước cơ bản như sau:

  • Chụp ảnh (Image Capture): Văn bản viết tay hoặc in ấn được số hóa thông qua máy quét, camera hoặc thiết bị số hóa chuyên dụng.
  • Tiền xử lý (Preprocessing): Hình ảnh được làm sạch bằng cách loại bỏ nhiễu, điều chỉnh độ sáng, tăng độ tương phản, giúp nâng cao chất lượng ảnh trước khi nhận dạng.
  • Nhị phân hóa và phân đoạn (Binarization/Segmentation):Hình ảnh đầu vào được xử lý để phân tách thành từng ký tự hoặc từ riêng biệt, tạo tiền đề cho các bước phân tích chi tiết tiếp theo.
  • Trích xuất đặc trưng (Feature Extraction): Trong bước này, các đặc trưng quan trọng của từng ký tự như hình dáng, kích thước, đường nét là cơ sở để so sánh và phân loại ký tự trong các bước sau.
  • Nhận dạng mẫu (Pattern Recognition): Các thuật toán học máy tiên tiến như mạng nơ-ron nhân tạo (neural networks) sẽ so sánh các đặc trưng của ký tự với các mẫu đã học trước đó, từ đó xác định ký tự tương ứng.
  • Phân tích ngữ cảnh (Context Analysis): Sau khi nhận diện các ký tự, hệ thống sẽ phân tích toàn bộ câu hoặc đoạn văn để hiểu ngữ cảnh và mối quan hệ giữa các từ.
  • Hậu xử lý (Post-processing): Cuối cùng, Ký tự được ghép thành văn bản hoàn chỉnh, định dạng lại (nếu cần), và  sẵn sàng lưu trữ, tìm kiếm hoặc tích hợp vào các hệ chuyển đổi thành dữ liệu số.
cách ICR hoạt động
Công nghệ ICR nhận diện chữ viết tay chính xác qua nhiều bước xử lý thông minh.

Các thuật toán Machine Learning quan trọng trong ICR

Công nghệ ICR đã có những bước tiến vượt bậc nhờ vào sự phát triển của các thuật toán Machine Learning (ML). Cụ thể:

Mạng nơ-ron (Neural Networks)

Lấy cảm hứng từ cấu trúc não bộ con người, mạng nơ-ron có khả năng học và ghi nhớ các đặc điểm phức tạp trong dữ liệu viết tay. Trong ICR, mạng nơ-ron được huấn luyện trên tập dữ liệu đã gắn nhãn gồm nhiều mẫu chữ viết tay khác nhau. Khi đã được huấn luyện đủ sâu, mô hình có thể nhận diện chính xác ký tự viết tay ngay cả khi chúng bị biến dạng, nghiêng, hoặc viết không đều.

Mạng nơ-ron tích chập (Convolutional Neural Networks - CNN)

CNN chuyên xử lý dữ liệu hình ảnh bằng cách tìm kiếm và nhận diện các đặc trưng quan trọng trong hình ảnh, như các đường biên, hình dạng và các mẫu lặp lại, thông qua một loạt các lớp xử lý được gọi là "tích chập". Điều này giúp CNN có thể nhận diện các ký tự viết tay hiệu quả, ngay cả khi có nhiễu hoặc sự biến đổi trong phong cách viết. Nhờ đó, ICR có thể nhận diện chữ viết tay tốt hơn so với công nghệ nhận dạng ký tự quang học OCR.

Vision Transformers (ViTs)

Thuật toán Vision Transformers (ViTs) sử dụng kiến trúc transformer với cơ chế tự chú ý (self-attention), giúp phân tích mối quan hệ giữa các ký tự và từ ngữ. Nó giúp cho ICR hiểu được ngữ cảnh của cả một câu văn và cải thiện độ chính xác trong nhận diện chữ viết tay.

Sự kết hợp giữa CNN và ViTs sẽ giúp ICR có thể xử lý và nhận diện các kiểu viết tay đa dạng, kể cả loại chữ khó đọc hoặc bị mờ, nhiễu. 

các thuật toán quan trọng trong ICR
Các thuật toán Machine Learning như Neural Networks và CNN nâng cao khả năng nhận diện chữ viết tay trong ICR

Tính năng chính của nhận dạng ký tự thông minh

So với ORC, ICR sở hữu nhiều tính năng vượt trội, đặc biệt phù hợp với các ứng dụng yêu cầu nhận dạng chữ viết tay hoặc tài liệu không chuẩn hóa.:

Khả năng nhận dạng chữ viết tay (Handwriting recognition capabilities)

ICR có thể nhận diện và chuyển đổi văn bản viết tay, bao gồm nhiều kiểu chữ và phong cách viết khác nhau như:

  • Chữ viết tay nối liền
  • Chữ viết tay cách chữ
  • Chữ viết tay với nét cong 
  • Chữ viết tay với nét thẳng góc
  • Chữ viết tay gấp khúc, chữ in hoa và chữ thường pha trộn (mixed upper and lower case letters)

Việc áp dụng kỹ thuật này giúp nâng cao độ chính xác và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi văn bản viết tay sang dữ liệu số.

Khả năng tự học (Self-learning abilities)

Nhờ ứng dụng các thuật toán Machine Learning, ICR có thể liên tục nâng cao độ chính xác theo thời gian. Hệ thống tự học từ dữ liệu mới, giúp thích nghi nhanh với các kiểu chữ tay lạ hoặc thay đổi cách viết theo từng cá nhân.

Hỗ trợ đa ngôn ngữ (Multi-language support)

ICR có khả năng nhận diện và chuyển đổi chữ viết tay thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, đáp ứng hiệu quả các nhu cầu xử lý dữ liệu trong môi trường đa quốc gia và toàn cầu hóa.

Tự động hóa quy trình công việc (Workflow Automation)

ICR có thể tự động hóa quy trình xử lý tài liệu, giảm thiểu các sai sót và tăng tốc độ xử lý hơn nhiều lần so với nhập liệu thủ công. 

Lợi ích của Intelligent Character Recognition

Với những tính năng trên, ICR mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và tổ chức như:

  • Tự động hóa hiệu quả: ICR giúp loại bỏ các thao tác nhập liệu thủ công, rút ngắn thời gian xử lý tài liệu, giảm gánh nặng công việc cho nhân viên và tăng hiệu suất vận hành toàn hệ thống.
  • Tăng độ chính xác và độ tin cậy trong quá trình nhận dạng: ICR cải thiện độ chính xác khi chuyển đổi các tài liệu giấy (bao gồm cả chữ viết tay và chữ in) thành dữ liệu số, cung cấp nguồn thông tin chính xác, tiện lợi hơn cho các hoạt động, quyết định của doanh nghiệp.
  • Tương thích với các công nghệ tiên tiến: ICR có thể kết hợp linh hoạt với các công nghệ khác như:

     - OCR: Công nghệ OCR đặc biệt hiệu quả trong việc nhận dạng và số hóa các tài liệu chứa chữ in, được trình bày theo các cấu trúc phổ biến, giúp tăng tốc độ xử lý văn bản số lượng lớn như hồ sơ, chứng từ, hóa đơn.

      - RPA (Robotic Process Automation): để tự động hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu thao tác thủ công lặp lại.

  • Tiết kiệm chi phí và khả năng mở rộng: ICR có khả năng xử lý lượng dữ liệu lớn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lao động và dễ dàng mở rộng theo quy mô công việc khi cần thiết. 
  • Cải thiện khả năng ra quyết định: Với nguồn dữ liệu chính xác, đầy đủ và dễ truy xuất, ICR hỗ trợ doanh nghiệp phân tích thông tin nhanh chóng, từ đó đưa ra các quyết định chiến lược một cách kịp thời và hiệu quả hơn.
Lợi ích của Intelligent Character Recognition
Quá trình nhận dạng và số hóa thông tin viết tay kết hợp mã QR bằng công nghệ nhận dạng ký tự quang học qua thiết bị di động.

Ứng dụng thực tiễn của Intelligent Character Recognition

Các ứng dụng của ICR xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống như:

Y tế

Trong lĩnh vực y tế, ICR hỗ trợ hiệu quả việc số hóa tài liệu, thông tin bệnh nhân bằng cách chuyển đổi các hồ sơ, đơn thuốc và biểu mẫu viết tay sang định dạng kỹ thuật số. Quá trình tự động hóa này không chỉ giúp giảm thiểu sai sót trong nhập liệu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý dữ liệu bệnh án và tích hợp vào các hệ thống phân tích y khoa hiện đại.

Bảo hiểm

ICR có khả năng tối ưu quá trình xử lý yêu cầu bồi thường bảo hiểm bằng cách số hóa dữ liệu từ biểu mẫu viết tay và các tài liệu bổ sung, hạn chế lỗi nhập tay. Công nghệ này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện gian lận bằng cách phân tích chữ ký viết tay và các mã định danh cá nhân khác, từ đó nâng cao tính bảo mật và sự tin cậy trong ngành bảo hiểm.

Quản lý giao thông

Trong quản lý giao thông, ICR tự động hóa việc xử lý các biên bản vi phạm giao thông viết tay, trích xuất thông tin quan trọng về phương tiện và người lái. Khả năng này hỗ trợ thực thi luật giao thông và giảm thiểu sai sót trong việc nhập liệu, từ đó đảm bảo an toàn và trật tự trên các tuyến đường.

Phân tích pháp lý

ICR hỗ trợ các chuyên gia pháp lý bằng cách tự động trích xuất thông tin từ các tài liệu và ghi chú pháp lý viết tay. Bằng cách chuyển đổi chúng thành các định dạng số có thể tìm kiếm, ICR hỗ trợ quá trình tổ chức và tìm kiếm thông tin trong nghiên cứu các vụ án một cách hiệu quả hơn.

Các cơ quan chính phủ

ICR hỗ trợ đơn giản hóa quá trình nhập liệu và xử lý tài liệu tại các cơ quan hành chính, đặc biệt là với những loại biểu mẫu vốn thường được xử lý thủ công như đơn từ, tờ khai hoặc phiếu đăng ký viết tay. Khi được tích hợp với các hệ thống tự động hóa như RPA, ICR giúp giảm thiểu thao tác thủ công, tăng tốc độ xử lý và nâng cao độ chính xác trong quản lý dữ liệu hành chính công.

Sự khác nhau giữa ICR và OCR

Mặc dù đều là công nghệ nhận diện ký tự, ICR và OCR có nhiều điểm khác biệt rõ rệt về khả năng nhận diện, công nghệ nền tảng và mức độ ứng dụng.

Tiêu chí

OCR

ICR

Khả năng nhận dạngNhận dạng văn bản in, chuyển đổi tài liệu in thành dữ liệu số.Nhận dạng cả chữ viết tay và chữ in, nhận dạng ký tự thông minh hơn.
Công nghệ sử dụngDựa trên các mẫu/đặc trưng định sẵn.Sử dụng công nghệ học máy (AI), có thể tự động học và cải thiện theo thời gian.
Cập nhập và thích ứngOCR truyền thống ít linh hoạt hơn, còn OCR hiện đại có thể được huấn luyện lại để thích ứng, nhưng không tự động 'học' được các kiểu chữ mới như ICR.Có khả năng tự thích ứng, cập nhật và học hỏi theo các kiểu chữ mới.
Độ chính xácĐộ chính xác cao với văn bản in nhưng thấp với chữ viết tay.Độ chính xác cao hơn, đặc biệt đối với chữ viết tay và văn bản không đồng nhất.
Ứng dụngPhù hợp với tài liệu có cấu trúc cố định, ví dụ như hóa đơn, hợp đồng in.Phù hợp với tài liệu không có cấu trúc rõ ràng, như hồ sơ viết tay, biên bản vi phạm giao thông.
Quản lý và tự động hóaThường có phí quản lý và cần sự can thiệp thủ côngCó khả năng tự động hóa cao hơn, không cần sự can thiệp của người dùng.

Kết luận

Nhìn chung, ICR là một trong những công nghệ nhận dạng ký tự tiên tiến và được đánh giá cao nhất hiện nay. Với khả năng tự học từ dữ liệu và liên tục cải thiện hiệu suất, ICR đã khắc phục những hạn chế của công nghệ OCR truyền thống, mang lại hiệu quả vượt trội trong việc xử lý và số hóa văn bản. Hy vọng rằng những chia sẻ chi tiết của VNPT AI về Intelligent Character Recognition đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động, lợi ích và các ứng dụng thực tiễn của công nghệ này. Đây chính là giải pháp tiềm năng để doanh nghiệp tối ưu quy trình nhập liệu, nâng cao hiệu quả vận hành và từng bước chuyển đổi số thành công.

Tác giả: Nguyễn Minh Hải

Đánh Giá